Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 6/2020, hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Đến nay, chuyển đổi số ở Việt Nam vừa bước sang năm thứ 5. Trong phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á năm 2024 chủ đề 'Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, diễn ra ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa nhấn mạnh: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Trong 4 năm triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, năm đầu tiên là khởi động chuyển đổi số, năm thứ hai là tổng diễn tập chuyển đổi số thời Covid-19, năm thứ ba là xây dựng các nền tảng số quốc gia, năm thứ tư là phát triển dữ liệu số. Năm 2024 này là bắt đầu của năm thứ năm, chúng ta sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số, với 4 trụ cột là công nghiệp CNTT và truyền thông, phát triển kinh tế số các ngành, quản trị số và phát triển dữ liệu số, người đứng đầu ngành TT&TT nêu rõ. Vậy chuyển đổi số quốc gia là gì?
1. Chuyển đổi số quốc gia là gì?
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số . Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
2. Ngày chuyển đổi số quốc gia
Theo Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
* Ý nghĩa của ngày chuyển đổi số quốc gia
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số mà nhà nước định hướng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Như vậy, 2022 là năm đầu tiên mà Việt Nam có ngày chuyển đổi số quốc gia. Điều này thể hiện quyết tâm trong việc chuyển đổi số của nhà nước ta cũng như tạo nên một bước ngoặt trong lĩnh vực này.
* Vai trò của chuyển đổi số
Có thể hiểu, chuyển đổi số là tổng thể công nghệ số hoá dữ liệu và ứng dụng dữ liệu dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Công nghệ ở đây được hiểu là một hệ thống, trong đó có trang thiết bị kỹ thuật số, có các chương trình kỹ thuật số, có dữ liệu đầu vào ở dạng số, có con người, có phương thức tổ chức hoạt động... liên kết, tác động qua lại lẫn nhau và cho kết quả đầu ra những sản phẩm có hiệu suất lớn về giá trị sản xuất.
* Về vị trí
Có thể thấy chuyển đổi số là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng lần thứ 4. Hiện nay khái niệm chuyển đổi số đã trở nên phổ biến, lan toả trên toàn xã hội. trong đó doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân. Chính vì vậy, tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là ngày chuyển đổi số quốc gia.
3. Mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia
Dưới đây là một số mục tiêu của trong lộ trình chuyển đổi số đến năm 2025:
Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế – xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ,…
Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).
Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu đến năm 2025 là hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Xác định việc lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Rất mong nhân dân trong xã cùng với Đảng, chính quyền các tổ chức CT-XH trong xã xây dựng hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số vào năm 2025.