Theo lời Bác Hồ, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ, lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 28/6 hàng năm được chọn làm ngày gia đình Việt Nam để tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình, những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời xưa.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, vì vậy gia đình có phát triển thì xã hội mới phát triển và ngược lại. Mỗi quốc gia, dân tộc nếu muốn tồn tại đều phải biết yêu quý, trân trọng gia đình. Cũng bởi lẽ đó mà hàng năm, chúng ta đều dành một khoảng thời gian nho nhỏ để tôn vinh gia đình. Ngày Gia đình Việt Nam 2024 rơi vào thứ 6, ngày 28/6/2024, với mục đích chính là tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, là dịp để các gia đình trao lưu để chia sẻ, hướng đến sự phát triển bền vững của mỗi gia đình. Từ đó góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.
Với ý nghĩa quan trọng đó, thực hiện hướng dẫn của UBND huyện Yên Sơn về việc tổ chức các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024. UBND xã Tứ Quận xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền với chủ đề "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động, khuyến khích tất cả các hộ gia đình và từng thành viên gia đình cùng chung tay giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp trong gia đình nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; thực hiện bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình, đảm bảo giữ vững các giá trị văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cần xác định công tác gia đình là một nhiệm vụ thường xuyên, có vị trí quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Qua đó, giúp các gia đình bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, nhất là các gia đình chính sách, gia đình người nghèo; xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được những kiến thức về khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, pháp luật và phúc lợi xã hội.
Vì một gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, giá trị và ý nghĩa nhân văn của Ngày Gia đình Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục được nhân rộng và trở thành truyền thống văn hóa của hàng triệu gia đình Việt. Nhiều hành động, nghĩa cử đẹp đẽ của mỗi người dành cho tổ ấm, gia đình thân yêu của mình đang góp phần không nhỏ làm cho mỗi “tế bào” của xã hội ngày càng khỏe mạnh. Mong rằng, những hoạt động ý nghĩa tiếp tục được tổ chức đều đặn, bài bản hơn để việc xây dựng, phát huy văn hóa gia đình được thực hiện thành nền nếp, thường xuyên, từ đó mang đến những giá trị bền vững, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.